Quyền lực Henry_VIII_của_Anh

Henry với Charles V (phải) và Giáo hoàng Leo X (giữa), khoảng năm 1520

Chính quyền và tài chính

Tình trạng tài chính nước Anh gần như là một thảm họa trong những năm trị vì của Henry, mặc dù nhà vua thừa hưởng một nền kinh tế thịnh vương (chưa kể đất đai của giáo hội bị tịch thu làm gia tăng tài sản của hoàng gia). Sự tiêu xài hoang phí của nhà vua cùng sưu cao thuế nặng đã tàn phá nền kinh tế.[22][23] Lấy thí dụ, Henry gia tăng số lượng tàu cho Hải quân Hoàng gia từ 5 chiếc lên đến 53 chiếc. Say mê các tòa lâu đài, khi đăng quang Henry có một tá, khi băng hà con số này là 55 với 2 000 chiếc thảm thêu.[24] Để so sánh, vua nước láng giềng và là cháu của Henry, James V của Scotland, chỉ có năm lâu đài với 200 tấm thảm thêu.[25] Henry hãnh diện khi khoe khoang bộ sưu tập vũ khí của mình, trong đó có bộ thiết bị cung tên ngoại nhập, 2 250 món quân nhu, và 6 500 súng ngắn.[26]

Khi mới lên ngôi, Henry phụ thuộc nhiều vào các cố vấn, nhưng về sau nhà vua nắm toàn quyền. Từ năm 1514 đến 1529, Thomas Wolsey (1473-1530), một hồng y Công giáo, làm tể tướng, trong thực tế kiểm soát chính sách ngoại giao và nội trị cho ông vua trẻ. Ông thương thảo một cuộc hưu chiến với Pháp. Ông đã dẫn dắt nước Anh lúc tiến lúc thoái trong vai trò đồng minh với Pháp lẫn Đế quốc La Mã thánh. Wolsey tập trung quyền lực về chính quyền trung ương. Song, chủ trương của Wolsey sử dụng các khoản nợ bắt buộc để tài trợ cho các cuộc viễn chinh cùng số lượng tài sản khổng lồ và nếp sống phô trương của ông gây căm phẫn trong giới giàu có ở Anh. Rồi Wolsey làm nhà vua thất vọng vì không thể giúp ông hủy bỏ cuộc hôn nhân với Vương hậu Catherine. Ngân khố trống rỗng sau nhiều năm tiêu xài hoang phí, và khi sự bất mãn dâng cao Henry cần có giải pháp mới: Wolsey bị thay thế. Sau 16 năm sống trên đỉnh cao danh vọng và quyền lực, năm 1529 Wolsey bị thất sủng, năm sau ông bị bắt giữ, bị gán tội phản loạn, rồi chết trong tù. Sự sụp đổ của Wolsey là lời cảnh báo cho Giáo hoàng và giới tăng lữ ở Anh về những gì họ sẽ đối diện nếu không thuận theo ý nhà vua. Henry toàn quyền cai trị đất nước, mặc cho các phe phái trong triều vẫn tiếp tục đấu đá và trừ khử lẫn nhau.

Geoffrey Elton (1962) suy luận rằng có một cuộc cách mạng quan trọng xảy ra trong triều. Mặc dù thừa nhận Henry là một quân vương thông minh sắc sảo, Elton tìm thấy phần đóng góp lớn lao trong các động thái tích cực, nhất là quyết định tách rời khỏi Rô-ma, là do Thomas Cromwell chứ không phải nhà vua. Elton nhận thấy Henry là nhà lãnh đạo tài năng nhưng ông không đủ kiên nhẫn để theo đuổi những kế hoạch lâu dài; đúng hơn, nhà vua là một kẻ cơ hội, nhờ người khác đưa ra các ý tưởng và sử dụng họ để đạt đến mục đích. Những cuộc phiêu lưu tình ái của Henry là một phần trong chuỗi chứng cứ của Elton; một người đàn ông kết hôn đến sáu lần, theo Elton, không thể là người có thể kiểm soát số phận của mình. Elton nhận ra rằng chính Thomas Cromwell là người đã hình thành ý niệm về một nước Anh thịnh vượng với sự tham gia tích cực của người dân thông qua Quốc hội, và đó là sự khởi đầu cho một nhà nước pháp quyền. Cần có sự chuẩn thuận của Quốc hội không có nghĩa là nhà vua nhượng bộ; Henry là nhà cai trị chuyên chế, chưa bao giờ tỏ ra ngần ngại khi sử dụng quyền lực của mình. Sự đồng thuận của người dân chỉ giúp làm tăng chứ không hạn chế quyền lực hoàng gia.[27]

Cải cách tôn giáo

Bộ giáp trụ được làm tại Ý của Henry, c.1544.

Henry chưa bao giờ chính thức bác bỏ thần học Công giáo, nhưng từ năm 1534, nhà vua tự nhận mình là nhà lãnh đạo tối cao của giáo hội tại Anh. Quyết định này, kết hợp với những động thái kế tiếp nhau, dần dà hình thành nên một giáo hội tách rời khỏi Rô-ma, Giáo hội Anh. Henry và các cố vấn của ông cảm thấy rằng Giáo hoàng, trong các vấn đề thế tục, đang hành động như là một vương quyền Ý, do đó làm lu mờ vai trò lãnh đạo tôn giáo của ông. Vì quyền lợi quốc gia, Henry ngày càng cảm thấy khó chấp nhận khi những vấn đề nội chính quan trọng của nước Anh đều được quyết định bởi người Ý. Sự kiện hủy hôn với Catherine là một thí dụ điển hình nhưng chính nó không phải là nguyên nhân của sự việc.[28]

Cuộc cải cách giáo hội do Henry tiến hành khởi phát từ những nguyên nhân phức tạp hơn chứ không chỉ đơn thuần là khao khát của nhà vua muốn có vợ mới và có con trai để kế vị. Henry khẳng định rằng cuộc hôn nhân đầu tiên chưa bao giờ là hợp lệ, nhưng việc hủy hôn chỉ là một trong những nhân tố khiến Henry muốn cải cách giáo hội. Từ năm 1532-1537, Henry ban hành một loạt đạo luật liên quan đến mối quan hệ giữa nhà vua với Giáo hoàng, và về cơ cấu tổ chức của Giáo hội Anh. Trong giai đoạn này, Henry giải thể các tu viện và những điện thờ hành hương như là một phần trong nỗ lực cải cách giáo hội. Nhà vua luôn thủ giữ vai trò chủ chốt trong việc ra quyết sách về tôn giáo; chính sách này, được ông kiên trì theo đuổi, có thể được miêu tả chính xác nhất là đi theo đường lối trung dung.[29]

Giải thể các tu viện

Trên khắp nước Anh có rất nhiều cơ sở tôn giáo sở hữu nhiều đất đai cho tá điền thuê mướn để canh tác. Từ năm 1536-1541, Henry giải thể các cơ sở tôn giáo và chuyển đổi một phần năm đất canh tác của nước Anh sang tay chủ mới. Kế hoạch được thiết kế nhằm tạo ra một giới quý tộc chịu ơn nhà vua, họ là những người sử dụng đất canh tác hiệu quả hơn.

Henry tiến hành một số thay đổi trong cung cách hành đạo. Nhà vua ra lệnh cho giới tăng lữ thuyết giảng chống lại các loại ảnh tượng mê tín, các thánh tích, các loại phép lạ, và việc hành hương, cũng như dời bỏ các chân nến. Sách dạy giáo lý năm 1545, gọi là King’s Primer, loại bỏ các thánh. Nghi lễ cử hành bằng tiếng Latin nhường chỗ cho tiếng Anh. Điện thờ các thánh bị hủy bỏ, và các thánh tích bị chế giễu như là những bộ xương khô vô giá trị.